Câu chuyện xây dựng thương hiệu cho brand hay xây dựng thương hiệu cá nhân luôn hấp dẫn những marketer khao khát phát triển thương hiệu mình lớn mạnh. Dưới đây là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Sơn – giám đốc Học viện Thương hiệu Plato, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty tư vấn và phát triển thương hiệu Richard Moore Associates với những trải nghiệm và góc nhìn đắt giá về xây dựng thương hiêu cá nhân trên mạng xã hội của ông.
Chơi bài. Chỉ một status này trên Facebook Ronaldo đã có gần 800K like và hơn 8,000 bình luận. Không riêng gì Ronaldo, những người được coi là celebrity viết bất cứ điều gì đều tự động có hàng nghìn, hàng trăm nghìn like ngay lập tức. Đối với họ, miễn là có chia sẻ, về bất cứ điều gì, sẽ có sự tương tác theo dạng automatic như vậy.Thế nhưng, câu chuyện xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội nói chung, Facebook nói riêng trong bài viết này không phải về những người nổi tiếng như Ronaldo. Chúng ta nói về xây dựng thương hiệu cá nhân cho bất kỳ người bình thường nào. Là tôi, là bạn, là bất kỳ ai trong số chúng ta.
Corporate brand (thương hiệu công ty), Product brand (thương hiệu sản phẩm) và Personal brand (thương hiệu cá nhân) đều chịu sự tác động giống nhau về quy luật xây dựng thương hiệu. Vì con người là thực thể phức tạp nhất về tâm lý hành vi, xây dựng thương hiệu cá nhân có tính chất và quy luật riêng hiện hữu ngay trong chính những quy luật chung về xây dựng thương hiệu.
Cần có ý thức chuyên nghiệp trong việc xây dựng hình ảnh cá nhân. Nhưng không nên gượng ép và tự lừa dối bản thân khi cố chạy theo hay bắt chước một hình mẫu không đúng với con người thật của bạn.
Trong xây dựng thương hiệu cá nhân, phong cách riêng rất quan trọng. Nhưng phong cách riêng chỉ hình thành và hấp dẫn trong mắt người khác khi nó thật. Một người chuyên viết các status trên Facebook với cách thể hiện khá nổ, giọng văn hơi bựa bựa và câu chữ như kim chích người đọc. Anh ta được chấp nhận. Thậm chí được yêu thích. Anh ta làm tất cả những điều này một cách tự nhiên. Không bắt chước ai cả. Anh ta thấy thoải mái và người đọc có thể ai đấy không thích phong cách này cũng thấy rằng anh ta không diễn. Quan trọng hơn nội dung anh ta viết chia sẻ, về cơ bản, thật và thú vị. Có một số bạn cũng nổ cũng bựa. Khổ cái là chưa có chất và cái chính là cố bắt chước nên rất tệ. Cái gì bắt chước còn dấu được đôi chút chứ phong cách bắt chước rất dễ bốc mùi. Hình ảnh cá nhân vì vậy cũng bị huỷ hoại theo.
Nguyên tắc quan trọng nhất của xây dựng thương hiệu cá nhân là giá trị thật. Chỉ khi nào chúng ta sống đúng với con người của mình lúc đó mới đi đường dài được. Khó làm một điều gì lâu khi luôn phải gồng mình.
Về mặt vật lý, gồng mình lâu cơ bắp sẽ mỏi, trí não cũng mệt.
Về mặt tâm lý học, một lúc nào đó chúng ta sẽ thấy chán nản với chính hình ảnh mình tạo ra.
Trong cuốn phim The Duff (tạm dịch: người yếm thế) nói về hành trình cô gái Biana Piper tìm kiếm bản thân với tư cách là một The Duff. Bianca có hai người bạn xinh đẹp là Casey Cordero và Jessica Harris. Cô thầm yêu trộm nhớ cậu bạn hàng xóm đẹp trai là Wesley Rush. Có lần Wesley đã nói với Bianca biết rằng cô chỉ là một The Duff – Designated Ugly Fat Friend – Đứa bạn vừa Béo vừa Xấu – nói về những người mờ nhạt trong một nhóm bạn, làm nền để cho những người khác nổi bật. Mọi người tiếp cận Bianca chỉ vì mục đích là làm quen với Jess và Casey mà thôi. Bianca khổ sở và ám ảnh về thân phận này. Cô đã làm đủ mọi cách để thoát ra nó. Từ phong cách ăn mặc đến lối hành xử cô muốn chứng minh rằng cô không phải là một kẻ yếm thế. Nhưng càng cố chứng tỏ cô càng cho thấy mình là một kẻ yếm thế. Cho đến một ngày sau buổi nói chuyện với mẹ mình cô bỗng nhận ra thật vô ích khi chạy theo những cái không phải của cô. Rằng mỗi người xung quanh cô đều có những điểm yếm thế. Rằng cô có những điểm hấp dẫn mà chính cô cũng lãng quên nó. Sau khi phát hiện ra điều này cô đã mỉm cười bình thản trước lời dèm pha của “kình địch” Madison Morgan. Cô đã chính thức được giải thoát khỏi sự ám ảnh trở thành hoàn hảo và thật kỳ diệu chính anh chàng Wesley đã ngỏ lời yêu cô sau đó vì chính điều này.
Đúng như lời nhà văn Oscar Wilde có nói “be yourself. Everyone else is already taken”. Mỗi người trong chúng ta đều có cái hay và cái chưa hay. Cả về hình thức lẫn năng lực cá nhân. Thương hiệu cá nhân không phải để hoàn hảo. Thương hiệu cá nhân là động lực để tốt hơn. Tất nhiên chính mình về những điều tích cực thôi. Không nên “tự sướng” về những tính cách dở ẹc.
Nhà văn Mark Twain có nói rằng lòng tốt là thứ người khiếm thị cũng có thể nhìn thấy và người điếc cũng có thể nghe thấy. Xây dựng thương hiệu cá nhân cần có đam mê đủ mạnh để lay động như lòng tốt. Đó là nền tảng đầu tiên nhưng chừng đó là không đủ. Lòng tốt cần thể hiện bằng hành động cụ thể để người khác biết. Đam mê cũng cần biến thành hành động cụ thể mới có sức lan toả.
Thế giới chưa phẳng và sẽ còn lâu mới phẳng. Nhưng trong lĩnh vực truyền thông mạng xã hội thế giới đúng là phẳng. Rất phẳng về cơ hội để khẳng định thương hiệu cá nhân. Một thế giới ảo về vật lý nhưng rất thật về những giá trị. Khi giao tiếp trên mạng xã hội dường như mỗi người đang đối thoại với chính mình và họ thể hiện quan điểm cá nhân dễ dàng hơn khi không có tác động trực tiếp của ngữ cảnh như ngoài đời thật. Khả năng tự kiểm soát hành vi thể hiện rõ khi họ rơi vào trạng thái khác nhau về cảm xúc vui lẫn buồn. Một thế giới ảo nhưng nó có thể là cạm bẫy huỷ hoại tên tuổi thành danh hay là một bệ phóng cho một tên tuổi mới. Đừng đòi hỏi một sản phẩm hoàn hảo hay môi trường giao tiếp hoàn hảo. Một chiếc xe Porche sang trọng sẽ biến thành cục sắt gỉ nếu chúng ta không biết lái nó. Facebook, Instagram hay Twitter sẽ là một chiếc Porche hay chỉ là chiếc xe công nông gỉ sắt do người sử dụng là ai. Mạng xã hội hay hay dở tuỳ thuộc vào cách chúng ta đối xử với nó thôi.
Chuyên nghiệp hay hời hợt. Lan man hay tập trung. Tự mãn hay cầu thị. Xem mọi chuyện nhẹ nhàng hay nghiêm trọng. Thương hiệu cá nhân thể hiện bằng mức độ quan tâm hay sự ghi nhận của thế giới bên ngoài. Nhưng thương hiệu cá nhân thực chất bắt đầu từ thế giới quan của mỗi chúng ta. Về bản thân mình và những gì xung quanh mình.
Nguyễn Đức Sơn – Giám đốc Học viện Thương hiệu Plato