Nếu ai đã đọc qua giới thiệu của mình và đã biết mình học về lĩnh vực khoa học nên trong bài viết này mình chỉ trình bày các bước bản thân đã thực hiện để viết một bài tiểu luận khoa học thôi.
Có thể cách mình thực hiện sẽ không phù hợp với các bạn lĩnh vực khác hoặc sẽ không giống các bạn cùng lĩnh vực với nhau, bởi vì mình nghĩ mọi người sẽ có cách khác nhau tùy trình độ hiện tại, độ thích thú với chủ đề mình dự định viết tiểu luận, thời gian viết,…v.v.
Khi nhận được yêu cầu viết tiểu luận từ một lý do nào đó, ví dụ như bài tiểu luận cuối kì cho môn học nào đó, bài tiểu luận nhóm, bài tiểu luận cá nhân,… thì thông thường mình sẽ thực hiện như sau:
Các bước để viết một bài tiểu luận ở trường đại học:
Bước 1: Xác định vấn đề và chủ đề cần viết.
1/ Thông thường đối với yêu cầu viết tiểu luận sẽ được giao chủ đề trước hoặc bản thân mình tự xác định chủ đề nhỏ từ chủ đề lớn mà giáo viên đã đưa.
Ví dụ 1: Đã được giao chủ đề lớn là “xác định khả năng kháng viêm và kháng khuẩn có một số hoạt chất có ở thực vật bậc cao” và yêu cầu được giao là mình phải lựa chọn một cây nào đó với một/một nhóm hợp chất đặc trưng ở cây đó để viết bài tiểu luận tổng quan.
Lúc này mình thường sẽ chọn những cây/thực vật có nhiều tư liệu hơn hoặc có thể chọn tùy ý cũng được, nhưng nên cân nhắc về khả năng tìm kiếm tư liệu để viết. Giả sử bạn có thể chọn một số cây phổ biến đã được nghiên cứu rõ các hoạt chất như gừng (Zingiber officinale R.), cây sứ (Plumeria sp.),…
Ví dụ 2: Bạn đã được giao 1 chủ đề cụ thể rõ ràng hơn như viết tiểu luận về tập tính sinh sản ở nhóm cá không xương sống hoặc viết bài tổng quan các hệ thống sửa sai DNA ở vi khuẩn E.coli.
Đối với ví dụ 2 này thì khá dễ dàng các bạn chỉ cần tập trung vào vấn đề mình được giao và tìm kiếm tư liệu để viết bài mà không cần sợ mình có làm khó bản thân mình hay không như ví dụ 1.
2/ Sau khi xác định được chủ đề cần viết thì mình thường không bắt tay vào làm ngay hoặc lên dàn ý ngay.
Những từ khóa (key word) có thể là rất quan trọng cho Bước 2 khi viết tiểu luận và cả toàn bộ bài viết của bạn. Vì vậy ở giai đoạn này bạn hãy tìm kiếm và liệt kê ra nhiều từ khóa liên quan đến chủ đề bạn dự định viết nhất có thể nhé.
Ví dụ 1: mình sẽ làm về hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn ở cây sứ (Plumeria sp.) thì mình sẽ xác định một số từ khóa như: kháng viêm, kháng khuẩn, cây sứ, hoa sứ, sứ thái,… (sử dụng tiếng Anh nhé vì tiếng Việt sẽ rất ít tư liệu để tham khảo).
Bước 2: Xác định tổng quan rộng lớn của chủ đề.
Thông thường mọi người làm tiểu luận chỉ quan tâm đến vấn đề chính yếu được giao cho mà quên đi tổng thể bài viết, thậm chí là một tổng thể rộng hơn của bài viết. Theo mình, lối suy nghĩ và làm việc như vậy không khác gì “chuyện ai nấy làm, nhà ai nấy ở”
Trong một bài tiểu luận, việc nắm rõ chủ đề mình cần viết và các khía cạnh liên quan thể hiện được trình độ, đẳng cấp và tầm hiểu biết của người viết. Vì vậy việc nắm rõ chủ đề, thậm chí tổng thể rộng lớn hơn chủ đề mình dự định viết là rất quan trọng.
Ví dụ 1: giả sử như ví dụ trên mình không chỉ tìm kiếm tư liệu về khả năng kháng viêm, kháng khuẩn của các hoạt chất tách chiết từ cây sứ. Đối với mình, các vấn đề liên quan khác như đặc điểm sinh lý cây sứ, phân loại học, sinh thái học, ứng dụng, cơ chế phân tử, cơ chế tế bào,… điều có liên quan với nhau. Và mình nên tìm hiểu sơ thảo hết những vấn đề đó trước khi lên ý tưởng viết bài.
Lưu ý rằng: nhiều bạn sẽ gặp phải sai lầm là sợ viết lạc đề nên không dám tìm hiểu quá rộng vấn đề hoặc sau khi tìm hiểu quá rộng vấn đề thì viết lạc đề do quá lan man. Vì vậy, lời khuyên của mình là tùy theo năng lực của bản thân mình hãy tìm hiểu độ rộng, độ sâu của vấn đề mình sắp viết tiểu luận và chỉ viết những gì mình hiểu, nắm rõ để tránh sự nhầm lẫn không đáng có.
Vậy thì đến bước này, chắc các bạn đã nắm rõ bầu trời các kiến thức mình dự định viết rồi nên chúng mình sẽ bắt tay vào làm dàn ý.
Bước 3: Viết dàn ý tóm tắt.
Tùy theo yêu cầu bài viết, số trang và vấn đề giáo viên yêu cầu, các bạn có thể lựa chọn và sắp xếp các mục của mình vào dàn ý tóm tắt nhé.
Thông thường theo bản thân mình thực hành, dàn ý tóm tắt sẽ không bao giờ giống các đề mục khi mình hoàn thành bài viết. Nếu dàn ý tóm tắt, dàn ý chi tiết và bài viết hoàn chỉnh của bạn các đề mục không có sự thay đổi gì hết thì bạn đã không nắm rõ vấn đề hoặc chỉ viết đối phó mà thôi.
Ví dụ một dàn ý tóm tắt như sau:
- Mở bài
- Thân bài
- Giới thiệu tổng quan về cây sứ.
- Giới thiệu các hoạt chất kháng viêm, kháng khuẩn từ cây sứ.
- Cơ chế kháng viêm, kháng khuẩn của các hoạt chất đó.
- Tiềm năng ứng dụng và khai thác.
- Kết bài
Bước 4: Viết dàn ý chi tiết.
Tiếp theo, khi bạn đã có được bộ xương bài viết của mình thì bước tiếp theo là chúng ta sẽ bắt tay vào tìm kiếm tư liệu và viết những đề mục trong đó.
Việc xây dựng dàn ý tóm tắt sẽ cho bạn cái nhìn tổng thể bài viết và chuẩn bị nguồn tư liệu để viết bài, bạn chỉ cần sắp xếp tư liệu/thông tin vào các đề mục mà thôi.
Lưu ý rằng ở giai đoạn này mình chưa cần thiết và sắp xếp hợp lý thông tin và theo một chuẩn mực nào hết vì hầu hết chúng ta chưa thể nhìn thấy được “bộ mặt” bài viết của mình, nên khá dễ hiểu bạn sẽ không thể sắp xếp để nó chuẩn mực được.
Vấn đề các bạn cần quan tâm là từ vị trí này về sau, các câu nội dung các bạn xây dựng vào các đề mục nên kèm theo trích dẫn rõ ràng để tiện sau này mình làm trích dẫn hoặc truy lục lại. Tránh để cuối bài mới bắt tay vào tổng hợp trích dẫn.
Sau khi bạn đã viết được kha khá ý trong các đề mục ở “dàn ý tóm tắt” thì bước tiếp theo là xây dựng dàn ý chi tiết.
- Khi xây dựng dàn ý chi tiết, bạn cần trả lời một số câu hỏi sao?
- Bài viết này sẽ theo một logic gì?
- Trình tự khai thác nội dung ra sao?
- Ý nào là trọng tâm, ý nào là phụ, những ý nào nội dung liên kết các phần?
- …
Các bạn nhớ chú ý ước lượng kích thước, số trang bài viết tương xứng với yêu cầu được giáo viên giao ra để tránh viết xong mình phải chỉnh sửa quá nhiều.
Bước 5: Hoàn thiện bài viết.
Sau khi mình đã hoàn thành dàn ý chi tiết và các nội dung cần viết, thì bước này là giai đoạn các bạn xây dựng lại bộ dạng bài viết của mình.
Các bạn chú ý một số lỗi thường gặp phải khi viết bài tiểu luận khoa học:
- Văn phong phải chuẩn “khoa học”, không dùng từ địa phương, không lạm dụng viết tắt,v.v. mây mây…
- Viết phải liên kết các đoạn với nhau, các ý với nhau (phần này khá khó, nên các bạn phải đọc kỹ và luyện tập).
- Viết phải thống nhất cách trình bày: khi nào là đoạn, khi nào là liệt kê, khi nào cần gạch đầu dòng,… không được tự ý thay đổi kiểu viết. Thông thường mình sẽ viết đoạn để thống nhất bài viết và cũng dễ liên kết các đoạn, các mục với nhau nửa.
- Tránh viết lan man và viết những ý mình không rõ, không liên quan đến chủ đề.
- Một số bạn copy từ bài báo tiếng anh nhưng bị lỗi văn phạm, văn phong, ngữ pháp tiếng việt,… rất nhiều.
- Bạn nên bám chắc vào yêu cầu về số trang, số từ, định dạng,… giáo viên đưa ra để tránh bị trừ điểm phản cảm.
- … và còn nhiều ý nửa.
Mình sẽ có bài viết cụ thể những lỗi hay gặp khi sinh viên đọc bài báo khoa học.
Bước 6: Chỉnh sửa và hoàn thiện các tiểu tiết.
Thường thì bài viết của bạn sau khi hoàn thành sẽ còn không dưới 100 lỗi (đây là con số mình đoán chừng dựa trên kết quả chấm bài của giáo viên trường mình).
Đôi khi có những lỗi rất nhỏ về khoảng trắng ” “, lỗi in hoa, in nghiêng, lỗi chính tả, lỗi tùy hứng khi dùng tiếng anh khi dùng tiếng Việt, lỗi viết tắt không phù hợp, lỗi ngữ pháp, lỗi văn phạm, lỗi dịch thuật, lỗi…. còn rất nhiều lỗi nửa.
Trong bước này có một công việc vô cùng quan trọng là các bạn làm trích dẫn và phải kiểm tra lại tất cả trích dẫn của mình sử dụng có chính xác hay không.
Mình thấy nhiều bạn sinh viên làm trích dẫn cho có và không kiểm tra lại kỹ từng trích dẫn, thậm chí là copy trích dẫn của người khác,…
Một số quy tắt cần nhớ khi làm trích dẫn là:
- Thống nhất 1 kiểu trích dẫn cho toàn bài.
- Lựa chọn trích dẫn có độ tin cậy cao.
- Đối với 1 số bài viết, trích dẫn mang tính cập nhật cũng rất quan trọng. Ví dụ bạn viết bài về “các phương pháp PCR hiện tại” nhưng lại sử dụng toàn trích dẫn 10 năm về trước và rất ít trích dẫn gần đây thì bài viết sẽ không có độ tin cây cao, thậm chí người đọc có thể hiểu rõ bạn đang đạo văn từ 1 bài nào đó.
- Trích dẫn phải hợp lý. Ví dụ trong bài viết của bạn có câu rằng “những nghiên cứu gần đây cho thấy khả năng kháng viêm từ flavonoid có tiềm năng trong điều trị ung thư (Sanel et al., 2010)]”. Bạn chỉ trích dẫn 1 tài liệu tham khảo và tài liệu tham khảo đó là 11 năm thì không thể dùng từ “những” và từ “gần đây” được.
- Nên để link doi của trích dẫn để người đọc dễ dàng truy lục lại trích dẫn.
- Nên kiểm tra thật kỹ tất cả trích là điều quan trọng.
- Trích dẫn điều gì vào bài viết thì phải hiểu rõ nội dung được trích dẫn.
Tóm lại, khi hoàn thành xong nội dung bài viết, trích dẫn và điều chỉnh theo format mà giáo viên yêu cầu, bạn nên kiểm tra lại tổng thể nội dung lẫn hình thức của bài viết 1-2 lần. Sau đó bỏ bài viết vào giai đoạn ngủ đông.
Bước 7: Bài viết “ngủ đông”.
Mình biết rằng nhiều bạn sẽ làm bài tiểu luận vào thời gian gần đến hạn chót nộp bài. Điều này thật sự không tốt chút nào. Theo như nhiều bài báo khác, thì bạn nên cân nhắc làm bài càng sớm càng tốt.
Sau khi hoàn thành Bước 6 thì hãy nghỉ ngơi hoặc làm việc khác để não bộ quên đi bài tiểu luận đó. Không có thời gian bao lâu là tốt để cho bài viết “ngủ đông” cả, theo mình tầm 3 ngày là con số đẹp nhất, nhưng bạn cũng có thể rút ngắn 1-2 ngày hoặc 5-7 ngày tùy thời gian của bạn.
Bước 8: Rà sót lỗi và chỉnh sửa tiếp tục (nếu có).
Sau thời gian bài viết của bạn “ngủ đông” thì bạn tiếp tục lấy ra đọc và sửa lỗi tiếp tục. Nếu có thể thì lập lại bước 7 và bước 8 khoảng 5-7 lần sẽ làm bài viết của bạn ngày càng hoàn thiện hơn. Nếu không có thời gian bỏ qua hoặc rút ngắn có thể điều được.
Nhìn chung, sẽ rất khó để có 1 bài tiểu luận hoàn thiện 100% về nội dung và hình thức. Ít nhiều sinh viên chúng ta điều có thời gian hạn hẹp vì thế mức độ hoàn thiện bài sẽ tùy vào thời gian bạn dành cho tiểu luận đó và khả năng hiểu biết, tư duy, kỹ năng của bạn.
Đối với những bài viết lớn như khóa luận,… theo mình thấy cũng có thể áp dụng các bước trên được nhưng cần thực hiện ở quỹ thời gian nhiều hơn, quy mô lớn hơn và cần lưu ý nhiều điều hơn.
Trên đây là chia sẻ về cách làm tiểu luận khoa học ở trường đại học của mình.
Chúc các bạn làm bài thật tốt và đạt điểm cao!